GDVN-Nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết sẽ có kế hoạch tính toán, điều chỉnh lại các tổ hợp xét tuyển đại học
Bộ Giáo dục Đào tạo đã chính thức chốt phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 4 môn thi, gồm 02 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 02 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Trước thay đổi này, nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết sẽ có kế hoạch tính toán, điều chỉnh lại các tổ hợp xét tuyển đại học.
Cần có sự khác biệt trong đánh giá học sinh xuất sắc
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Cao Quảng Tư – Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn nhận định, một điểm mới trong phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố là phương thức xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 là kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
“Rõ ràng, không chỉ có sự thay đổi về các tổ hợp dự thi mà còn kết hợp đánh giá quá trình của bậc học trung học phổ thông để công nhận tốt nghiệp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu chí “đủ điều kiện tốt nghiệp” của thí sinh, nhất là các thí sinh trúng tuyển sớm”, Thạc sĩ Cao Quảng Tư phân tích.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn
Về vấn đề giảm các tổ hợp, thầy Tư cho rằng cần phân định rất rõ ở từng giai đoạn, khi lựa chọn môn thi và tổ hợp dùng để xét tuyển đại học. Theo đó, khi lựa chọn môn thi (chọn 02 môn trong 9 môn học còn lại) thí sinh có 36 cách lựa chọn khác nhau. Như vậy, thí sinh đã có rất nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp và sở thích cá nhân để thể hiện năng lực của mình một cách toàn diện hơn.
Tuy nhiên, đối với các tổ hợp để xét tuyển đại học, từ năm 2025 thí sinh thi 04 môn, do đó chỉ có tối đa 4 tổ hợp để xét tuyển, điều này là ít hơn so với 6 môn như hiện nay.
“Song việc cốt lõi vẫn là định hướng cho các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, từ đó thí sinh sẽ sớm “chốt” được các tổ hợp ưu tiên của mình”, Thạc sĩ Cao Quang Tư nêu nhận định.
Năm 2023 có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học. Trong đó, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học vẫn dành trung bình khoảng 50-60% chỉ tiêu cho phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông;
Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho rằng, phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các phương thức kết hợp với kết quả này sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn, nhất là sự đa dạng của các tổ hợp. Một số tổ hợp trước đây có thể không còn và nhường chỗ cho các môn mới. Đơn cử, một số các tổ hợp với môn thi Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên được thay bởi Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế & pháp luật…
Mặc dù có nhiều phương thức xét tuyển mới, nhưng những năm qua các phương thức truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho rằng, tình hình có thể thay đổi với phương án 2025 khi các trường đại học chú trọng xây dựng quy trình tuyển sinh đại học phản ánh đúng năng lực và phẩm chất của học sinh.
“Cần có sự khác biệt trong việc đánh giá học sinh xuất sắc, thông qua phỏng vấn, bài luận, dự án cá nhân, chứng chỉ quốc tế và hoạt động ngoại khóa. Xu hướng kết hợp các hình thức xét tuyển sẽ là lựa chọn phù hợp, hướng thay đổi tập trung đáp ứng đúng nhu cầu của học sinh trong thời đại mới”, Thạc sĩ Cao Quảng Tư chia sẻ. |
Nhận định tỷ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học sẽ có sự thay đổi ở các nhóm trường, thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên của một hệ thống giáo dục cho biết:
“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông về cơ bản vẫn là một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, khách quan, công bằng và chịu sự giám sát lớn của dư luận xã hội. Do đó, đây vẫn là kỳ thi có độ tin cậy tốt”.
Tuy nhiên, xu hướng tỷ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học sẽ có sự thay đổi ở các nhóm trường. Trong đó, nhóm trường ở top giữa trở xuống có thể vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển; nhóm các trường đại học top đầu sẽ dần giảm tỷ lệ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển, thay vào đó là các bài đánh giá năng lực, đánh giá tư duy,…
Trường đại học thận trọng tính toán các phương án tuyển sinh
Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân,… đang giảm dần tỷ lệ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong tuyển sinh; thay vào đó, các cơ sở dành nhiều phần trăm chỉ tiêu hơn cho các phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực, các phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ,…
Trao đổi với phóng viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội thông tin:
“Đến nay, chúng tôi chưa có kế hoạch chính xác cho phương án tuyển sinh đại học từ năm 2025. Đây là vấn đề quan trọng, cần có sự đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tất cả các khía cạnh tác động đến tuyển sinh”.
Cũng cho rằng cần thận trọng trong việc xác định các phương án tuyển sinh đại học từ năm 2025, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Tình – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết:
“Các phương án tuyển sinh đại học từ năm 2025 của nhà trường chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh. Hiện nay, các khối tuyển sinh truyền thống của trường đa phần đều có ngoại ngữ, tuy nhiên từ năm 2025, trong kỳ thi tốt nghiệp, ngoại ngữ trở thành môn tự chọn thay vì môn thi bắt buộc như hiện nay. Do vậy, nhà trường chắc chắn sẽ phải có sự tính toán lại và thận trọng trong xác định các tổ hợp xét tuyển để đảm bảo hiệu quả tuyển sinh”.
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương chia sẻ thêm, hiện nhà trường đang tập trung thực hiện công tác tuyển sinh năm 2024. Đồng thời, nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án để sớm xây dựng phương án tuyển sinh đại học năm 2025.
Doãn Nhàn
Nguồn : https://giaoduc.net.vn/thi-tot-nghiep-4-mon-truong-dh-than-trong-xem-xet-dieu-chinh-to-hop-xet-tuyen-post239620.gd