TPHCM xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số theo từng giai đoạn phát triển

(HMC) – Sáng 7/9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số – Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TPHCM phát triển bền vững.

Chủ trì hội thảo gồm: ông Lâm Đình Thắng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM; PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số – Bộ TT-TT; ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao Động.

Cùng tham dự có: PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; lãnh đạo các trường, viện, doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia trên địa bàn TPHCM.

Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng phát biểu khai mạc hội thảo. 
Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng phát biểu khai mạc hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho biết, TPHCM đang rất nỗ lực để thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn TP. TP xác định mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% vào GRDP và đến năm 2030, đóng góp 40% vào GRDP của TP. Các chỉ tiêu này đặt cao hơn chỉ tiêu của quốc gia từ 5-10%. Ngoài ra, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, phát triển của TPHCM trong thời gian sắp tới cũng giao nhiệm vụ đến năm 2030, TPHCM phải là lá cờ đầu của cả nước về kinh tế số và xã hội số.

Theo ông Lâm Đình Thắng, thời gian qua, TP đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế số, điển hình là các chỉ tiêu kinh tế số được đưa vào các Nghị quyết của Đảng, chương trình công tác năm của Ủy ban, đầu tư phát triển hạ tầng số, các chương trình chuyển đổi số TP hướng đến nâng cao năng suất lao động của công chức TP và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tốt nhất trong môi trường kinh doanh đầu tư của TP.

Năm 2021, lần đầu tiên TPHCM đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học là 15,48% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ). Năm 2022, tỉ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ước đạt 18,66%, tăng hơn 3,2% trong 1 năm và chỉ tiêu của năm 2023 là 19%. Điều đó cho thấy TP đã có nhiều nỗ lực, cố gắng.

Đại biểu tham dự hội thảo. 
Đại biểu tham dự hội thảo. 

Tuy nhiên, TPHCM đang gặp 3 thách thức lớn trong phát triển kinh tế số. Đó là nhận thức ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa đầy đủ; phương pháp, công cụ đo lường cũng chưa thống nhất; các chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy chuyển đổi số chưa nhiều. Do đó, Giám đốc Sở TT-TT mong muốn từ hội thảo này nhận được nhiều hiến kế, góp ý từ các chuyên gia, doanh nghiệp để tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực thúc đẩy kinh tế số.

“Hội thảo hôm nay là bước khởi đầu. Sau hội thảo này, TPHCM sẽ tổ chức nhiều chương trình chuyên sâu hơn để tìm hiểu các giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế số phát triển nhanh hơn và sâu hơn, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của kinh tế TPHCM” – Giám đốc Sở TT- TT Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội.
PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho rằng, muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì TPHCM cần lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

PGS.TS Trần Minh Tuấn nhận định, tại TPHCM, vị trí của kinh tế số trong nền kinh tế ngày càng vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững dựa trên 4 trụ cột chính: Công nghiệp ICT tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng ổn định; chuyển đổi số các ngành công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng bền vững; quản trị số đóng vai trò quan trọng bảo đảm cho tăng trưởng ổn định và giá trị hoá dữ liệu tạo ra sức mạnh mới cho tăng trưởng ổn định.

Theo ông Tuấn, cách đột phá là phải chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online; phổ cập hóa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng phải là AI của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã xây dựng bản đồ chính sách về phát triển kinh tế số. Việc TPHCM cần làm tiếp theo là xây dựng chính sách về phát triển kinh tế số theo từng giai đoạn phát triển; xây dựng hệ thống chiến lược kinh tế số với liên kết ngang mà Sở TT-TT đóng vai trò chủ đạo. Trong đó sẽ thâm nhập, đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực, dựa trên các yếu tố nền móng để phát triển kinh tế số theo từng ngành, lĩnh vực.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM trình bày tham luận. 
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM trình bày tham luận. 
Hội thảo diễn ra thành công với sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp...
Hội thảo diễn ra thành công với sự tham gia của đại diện các cơ quan, chuyên gia, doanh nghiệp… trong lĩnh vực kinh tế số. 

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách hợp pháp, hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ số góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tối ưu hóa quy trình kinh doanh; giải pháp xây dựng hệ sinh thái kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, start-up và khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ, ứng dụng số…

                                                                                                                                                                            Hương Thảo

Nguồn: https://ttbc-hcm.gov.vn/tphcm-xay-dung-chinh-sach-ve-phat-trien-kinh-te-so-theo-tung-giai-doan-phat-trien-33958.html

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *